Giải trí

‘Táo quân 2021’ ca ngợi nỗ lực chống dịch

Những nỗ lực của các ngành y tế, kinh tế, giáo dục giữa bối cảnh Covid-19 được Ngọc Hoàng ghi nhận trong Táo quân 2021.

Bỏ phần báo cáo vốn đã trở thành “đặc sản”, Táo quân 2021 gợi ra bối cảnh một năm qua thông qua những câu chuyện của bốn Táo – Giáo dục, Y tế, Kinh tế, Xã hội – trong khu cách ly. Nam Tào (Xuân Bắc) và Bắc Đẩu (Công Lý) không còn “cầm trịch” chương trình từ đầu đến cuối, các Táo tự biên tự diễn qua các cuộc đối thoại.

Táo Y Tế - Vân Dung (trái) - và Táo Kinh tế (Quang Thắng) - có nhiều đất diễn trong chương trình năm nay.
Táo Y tế – Vân Dung (trái) – và Táo Kinh tế (Quang Thắng) – có nhiều đất diễn trong chương trình năm nay. Ảnh: VFC.

Vân Dung gắn với vai Táo Y tế, thường xuyên trở thành tiêu điểm chỉ trích nhưng năm nay, nhân vật của chị được tôn vinh. Lời tri ân các y bác sĩ tuyến đầu được lồng ghép khéo léo. Không khí thời dịch được xây dựng qua các chi tiết như quy định cách ly, phong trào đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, cài đặt ứng dụng bluezone… Táo Kinh tế (Quang Thắng) cũng “nở mày nở mặt” nhờ một năm nỗ lực kiềm chế lạm phát, bình ổn giá vàng, đưa nền kinh tế đi lên. Táo Giáo dục (Chí Trung) khoe thành tích dạy học online, hoàn thành các kỳ thi quan trọng đúng thời hạn.

Lâm Vỹ Dạ tạo không khí mới mẻ khi đóng một phiên bản khác của Bắc Đẩu, được hình thành từ công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện đại. Chị tung hứng hài hước với Táo Xã hội Tự Long và Táo Y tế Vân Dung. Lần đầu tham gia nhưng Vỹ Dạ không “chệch nhịp” với dàn diễn viên quen mặt bởi chị có lối diễn cường điệu tương đồng.

Tính đả kích của chương trình năm nay giảm nhẹ. Vắng cặp Nam Tào – Bắc Đẩu trong nhiều phân cảnh, các Táo không còn bị chất vấn về những sai phạm trong ngành. Các Táo không thể hiện sự cạnh tranh giữa các ngành mà bày tỏ tinh thần đoàn kết chống dịch. Vì thế, họ không xỉa xói, soi mói nhau để gây cười. Một số vấn nạn như quan chức nịnh bợ cấp trên, ăn tiền hối lộ, sách giáo khoa lớp một bị phản ứng hay tin giả tràn lan trên mạng… được đề cập nhẹ nhàng.

Ngọc Hoàng - Quốc Khánh (trái) và Nam Tào - Xuân Bắc - không xuất hiện từ đầu đến cuối chương trình.
Ngọc Hoàng – Quốc Khánh (trái) và Nam Tào – Xuân Bắc – xuất hiện với thời lượng ngắn hơn mọi năm. Ảnh: VFC.

Phần âm nhạc là điểm nhấn của chương trình năm nay. Các nghệ sĩ vận dụng nhiều chất liệu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương và bắt kịp trào lưu nhạc rap để hát các bài nhạc chế. Phong trào sáng tác ca khúc thời Covid-19 của nghệ sĩ Việt được gợi lại. Đặc biệt, Ghen Cô Vy – ca khúc đình đám năm qua – được tái hiện trên sân khấu Táo quân.

Sau một năm dừng sản xuất, Táo quân trở lại, thu hút sự chú ý của khán giả. Trong buổi ghi hình tối 26/1 ở Hà Nội, khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô chật kín người xem. Tái hiện bối cảnh thời dịch, chương trình không chủ ý xây dựng các màn biểu diễn hoành tráng như mọi năm. Các Táo không thay nhiều trang phục, chỉ mặc một bộ quần áo từ đầu đến cuối chương trình. Nhà thiết kế Đức Hùng – người phụ trách trang phục – nói anh chọn các gam màu rực rỡ, phom dáng phóng khoáng để thể hiện tinh thần lạc quan, vui vẻ giữa dịch. Táo quân sẽ ghi hình thêm hai buổi tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, sau đó cắt, dựng trước khi lên sóng truyền hình vào tối 30 Tết.

Táo quân – Gặp nhau cuối năm là chương trình hài kịch truyền hình, phát sóng vào Tất niên Âm lịch hàng năm, được sản xuất lần đầu năm 2003. Tiết mục mượn điển tích Táo về trời báo cáo với Ngọc Hoàng những việc mình đã làm trong suốt một năm qua. Thông qua đó, chương trình phản ánh, đả kích nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, văn hóa, giáo dục… nổi cộm. Năm ngoái, êkíp dừng sản xuất sau 16 năm, khiến nhiều nghệ sĩ, khán giả tiếc nuối. VFC làm chương trình “Táo quân vi hành”, phát sóng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, với kịch bản hoàn toàn khác biệt “Táo quân” nhưng không được quan tâm.

Tự Long, Duy Nam, Trung Ruồi hát chế về nạn nhận phong bì
Trích đoạn “Táo quân 2019”. Video: VFC.
   

Hà Thu – Vnexpress

Tin liên quan

Back to top button