Kinh tế

Cách tìm ra ý nghĩa khi cảm thấy công việc vô vị

Ai cũng muốn có công việc tạo được khác biệt với người khác và đóng góp nhiều hơn nhưng khi thế giới đầy biến động, việc này có thể là một thách thức.

Có lẽ bạn sẽ tự hỏi: Vấn đề là gì? Làm sao có thể thoát khỏi sự tiêu cực khi thấy công việc vô vị và có thể làm gì để thay đổi? Ai có thể giúp bạn tìm ra mục đích của bản thân? Và bạn có thể làm gì để khiến các cuộc khủng hoảng đan xen ở thời điểm hiện tại thành cơ hội tạo ra ý nghĩa?

Hatice Necla Keleş, Giáo sư khoa Quản lý Tổ chức tại Đại học Bahçeşehir ở Istanbul, cho biết có mục đích trong nghề nghiệp và bản sắc sẽ “mang lại ý nghĩa và động lực cho cuộc sống”. Không có gì mang đến cho bạn nhiều năng lượng hơn là một mục đích rõ ràng. Không có mục đích, “ngay cả việc rời khỏi giường mỗi buổi sáng cũng là một thách thức”.

May mắn thay, lấy lại hứng thú với công việc và nhắc nhở bản thân “bạn là ai và tại sao bạn làm như vậy”, không nhất thiết phải có giải pháp lớn lao. Karen Dillon, đồng tác giả quyển sách “How Will Measure Your Life?”, cùng với các chuyên gia Clayton Christensen và James Allworth đưa ra vài ý tưởng sau.

Giảm tiêu cực

Đọc sách cũng là một cách nhỏ góp phần giảm cảm xúc tiêu cực. Ảnh: Pixabay.
Đọc sách cũng là một cách nhỏ góp phần giảm cảm xúc tiêu cực. Ảnh: Pixabay.

Đầu tiên, cần giải quyết những nguyên nhân sâu xa khiến bạn cảm thấy công việc vô nghĩa. Có thể một trong những thủ phạm là căng thẳng. Trong ngày bình thường, bạn chịu đựng hàng trăm thứ mà Dillon gọi là “căng thẳng vi mô” – những cơn căng thẳng nhỏ như đồng nghiệp vội vàng bác bỏ ý kiến của bạn trong cuộc họp, hoặc họ không hoàn thành công việc đúng thời hạn.

Bạn có thể thường chịu những tổn thương nhỏ, nhưng chúng bị khuếch đại theo cấp số nhân và gây đau đớn hơn trong đại dịch, khi những nơi bạn thường xuyên đến để giảm căng thẳng – gặp bạn bè hoặc tập gym – không mở cửa. Điều này giải thích cho nguyên nhân ta cảm thấy căng thẳng và công việc không có ý nghĩa nữa.

Tuy nhiên, có phương thức “giải độc” cũng đơn giản. Dillon cho biết, cũng giống như căng thẳng vi mô đang ăn mòn bạn, những khoảng khắc vui vẻ nhỏ có thể giúp bạn phấn chấn lại. Tìm cách cảm thấy tốt và vực dậy tinh thần bằng cách đọc về các anh hùng ngoài đời thực, đi dạo, đọc sách hoặc xem các bức tranh phong cảnh.

Keleş cũng khuyên ngừng nghe tin tức “tiêu cực ảnh hưởng đến não và sức khỏe của bạn” liên tục theo cách “vắt kiệt sức lực và đánh mất niềm vui nơi bạn”.

Rèn luyện tính biết ơn

Covid-19 và các vấn đề kinh tế có thể khiến bạn khó chịu. Hãy thư giãn. Và tất nhiên, dù năm vừa qua có khó khăn, cần nhớ bạn không phải là người duy nhất gặp gian nan. “Mọi người đang phải đối mặt với những điều khó khăn trên khắp thế giới,” cô nói và cho rằng hãy biết cảm thông.

Dillon khuyên nên “tự nhắc nhở bạn không đơn độc và luôn được kết nối với điều lớn lao hơn”. Đôi khi, có chút tủi thân là điều đương nhiên, nhưng đừng để bản thân suy nghĩ lung tung. Keleş nói rằng, cách bạn nhìn nhận cuộc sống sẽ hình thành nên cuộc đời bạn. Nghe có vẻ ủy mị, nhưng thể hiện lòng biết ơn luôn mang đến cảm xúc tích cực mà có thể hóa giải những thách thức bạn chắc chắn phải trải qua.

Suy ngẫm về giá trị bản thân

Nên suy ngẫm về những gì bạn quan tâm và tạo động lực cho bạn. Tự hỏi bản thân: “Điều gì thúc đẩy tôi? Giá trị của tôi là gì? Tôi giỏi làm công việc gì? Và tôi muốn đóng góp gì? Dillon gợi ý hãy tích cực nhắc nhở bản thân lý do và cách công việc bạn đang làm ảnh hưởng đến những người khác.

“Hãy nghĩ điều gì khiến bạn hào hứng khi làm việc tại công ty ngay từ lúc đầu,” cô nói. Suy nghĩ đến các dự án và kế hoạch tiếp thêm sinh lực cho bạn; cân nhắc đến những điều bạn hào hứng học hỏi trong công việc; suy ngẫm những vấn đề thú vị mà công ty đang giải quyết.

Nếu cảm thấy thiếu sót, nên trò chuyện cùng đồng nghiệp và các thành viên trong đội ngũ. Hãy hỏi họ: Cách nào để điều chúng ta đang làm giúp ích được cho mọi người và làm cho thế giới tốt đẹp hơn? Tại sao công việc của chúng ta lại quan trọng ngay lúc này?

Hỗ trợ người khác

Trở nên hữu ích là một trong những điều có thể làm ta hài lòng nhất. Ví dụ, bạn có thể huấn luyện hoặc cố vấn cho nhân viên trẻ hơn, tình nguyện hỗ trợ thành viên đang gặp khó khăn trong nhóm hoặc hỗ trợ đồng nghiệp ở bộ phận khác. Trong những ngày nghỉ, bạn cũng có thể tìm cơ hội ở cộng đồng địa phương.

Hãy đẩy bản thân tiến về phía trước, ngay cả trong những cách nhỏ cũng có thể bổ sung thêm sức lực. “Giúp đỡ người khác mang lại ý nghĩa và sự hài lòng. Cảm giác được kết nối lẫn nhau chính là những gì mọi người cần ngay lúc này”, Keleş nói.

Giúp đỡ đồng nghiệp cũng là một cách tìm thấy ý nghĩa trong công việc. Ảnh: Pixabay.
Giúp đỡ đồng nghiệp cũng là một cách tìm thấy ý nghĩa trong công việc. Ảnh: Pixabay.

Tập trung vào mục đích

Định hình công việc là chiến lược khác có thể giúp khơi dậy sự nhiệt tình tiềm ẩn. Hãy tìm cách “tạo những đóng góp mới trong công việc để sự hiện diện của bạn trong công ty có ý nghĩa hơn, theo Keleş. Hãy nghĩ các điểm mạnh, kỹ năng và niềm đam mê của bạn có thể giúp công ty vượt qua những khó khăn hiện nay.

Ví dụ, nếu cảm thấy cần phải hành động vì đại dịch và bạn có kỹ năng hậu cần, có thể giúp phụ trách lập kế hoạch ứng phó với Covid của công ty. Nếu chuyển sang làm ở bộ phận liên quan đến nhân sự, bạn có thể hợp tác với các đồng nghiệp cùng chí hướng để giúp công ty đưa ra các chính sách tuyển dụng và quy định thăng tiến công bằng hơn.

Kết nối và biết ơn đồng nghiệp

“Ngay cả khi không còn nhiệt tình đối với sứ mệnh công ty, hy vọng điều đó không đồng nghĩa bạn mất đi hào hứng dành cho đội ngũ và đồng nghiệp”, Dillon nói. Cô khuyên hãy nỗ lực phối hợp để kết nối với các đồng nghiệp bạn yêu mến. Nên suy nghẫm về “lý do bạn biết ơn vài đồng nghiệp nhất định” và thể hiện sự trân trọng.

Nghiên cứu cho thấy bày tỏ lòng biết ơn sẽ tạo chỗ dựa cho bạn, làm cân bằng những tiêu cực do các khủng hoảng, bất an tạo ra. Nói một cách đơn giản, nói cho người khác biết ý nghĩa của họ đối với bạn thật sự là một trải nghiệm giá trị.

Cân nhắc đổi nghề, nhưng đừng liều lĩnh

Cuối cùng, bất cứ điều gì bạn làm, thì đừng ra quyết định vội vàng. “Tất cả chúng ta đều đang chịu rất nhiều căng thẳng và không ai đưa quyết định đúng trong điều kiện đó,” Dillon nói. Nếu bạn đang dự định nghỉ việc, hãy kiềm chế lại vì thị trường việc làm giờ cũng không thực sự xuất sắc.

Điều quan trọng là phải tích cực trong các lựa chọn bạn đưa ra. Cho đến lúc này, hãy cố gắng vượt qua và xem liệu bạn có thể cải thiện được hoàn cảnh hiện tại hay không.

Nguyên tắc cần ghi nhớ

Nên

– Suy ngẫm về các điểm mạnh của bạn có thể giúp công ty vượt qua những thử thách ở thời điểm hiện tại và tìm cách định hình công việc cho có ý nghĩa hơn.

– Đề nghị giúp đỡ và hỗ trợ. Giúp đỡ người khác mang lại chính mục đích. Ví dụ: bạn có thể huấn luyện nhân viên trẻ hơn hoặc giúp đỡ thành viên đang gặp khó khăn trong nhóm.

– Tìm cách thấy phấn chấn và thỉnh thoảng hãy dừng nghe tin tức.

Đừng

– Tự giải quyết một mình. Hãy trò chuyện cùng đồng nghiệp về cách thức và lý do công việc bạn làm lại ảnh hưởng đến người khác. Năng lượng và hiểu biết của họ có thể khơi dậy nguồn cảm hứng.

– Quên nói lời cám ơn. Thể hiện bạn đánh giá cao đồng nghiệp giúp cân bằng suy nghĩ tiêu cực mà bất an tạo ra.

– Đưa ra bất kỳ quyết định vội vàng nào về nghỉ việc. Vào thời điểm có nhiều bất ổn và không chắc chắn, điều quan trọng là bạn phải tích cực trong các lựa chọn của mình.

Phiên An (theo Harvard Business Review) – Vnexpress

Tin liên quan

Back to top button