Kinh tế

Người Mỹ gốc Á lì xì không tiền mặt để tránh dịch

Thay vì dùng tiền mặt, một số gia đình gốc Á tại California (Mỹ) chọn lì xì bằng tấm séc, hiện vật hay chuyển trực tuyến để tránh Covid-19.

Khi bước vào Siêu thị Hong Kong, Sam Lin đọc tin nhắn từ vợ để biết nên mua bao nhiêu bao lì xì. “Ba chục”, cô viết kèm lưu ý là mua loại lớn để bỏ vừa tấm séc. Với kế hoạch này, các cháu trai, cháu gái và con rể của Lin sẽ không có cảm giác hồi hộp khi lôi những tờ tiền mới ra khỏi bao lì xì Tết như những năm trước.

Mọi năm, nhiều tuần trước Tết Nguyên đán, Lin sẽ đi đổi tiền mới – tổng cộng khoảng 900-1.000 USD, để lì xì cho trẻ con và người lớn tuổi trong đại gia đình. Nhưng năm nay, với khả năng virus có thể ẩn náu trong những tờ 20 hoặc 100 USD, Lin là một trong số nhiều người Mỹ gốc Á từ bỏ việc lì xì tiền mặt.

Bao lì xì được bán tại Asian Garden Mall ở Little Saigon. Ảnh: Los Angeles Times.
Bao lì xì được bán tại Asian Garden Mall ở Little Saigon. Ảnh: Los Angeles Times.

Đại dịch cướp đi sinh mạng của hơn 44.000 người chỉ riêng ở California, đã làm thay đổi các phong tục tập quán lâu đời, giống như nhiều điều khác. Phần lớn gia đình gốc Á sẽ không quây quần bên nhau trong những bữa tiệc đoàn viên với bánh bao, các loại bánh từ nếp, cá nguyên con, chả giò hoặc mì trường thọ.

Cùng với đó, những phong bao lì xì màu đỏ, thường được trang trí với những lời chúc an khang bằng chữ Trung Quốc đại lục hoặc những biểu tượng may mắn như đào và cá, có thể chứa các tấm séc hoặc kẹo, thay vì tiền mặt. Một số người thì gửi tiền thông qua các dịch vụ trực tuyến để tránh chạm vào bất cứ thứ gì. Có người chọn lì xì ảo thông qua tính năng lì xì trực tuyến của ví điện tử kiêm mạng xã hội Venmo.

Các thành viên trong gia đình được lì xì thường là những người cần được quan tâm hoặc cảm ơn, bao gồm trẻ em, cha mẹ và ông bà. Một số người Mỹ gốc Á cũng lì xì cho thợ làm tóc, hàng xóm, người đưa thư và thợ sửa xe.

Ở Irvine, Kat Nguyen-De Angelis rất cẩn thận về Covid-19. Ngoài chồng và con trai 4 tuổi, không ai khác đặt chân đến chung cư của cô kể từ khi đại dịch xuất hiện. Cô đặt mua hàng tạp hóa giao tận nơi. Với cô, đứng xếp hàng để rút tiền mặt ở ngân hàng dù có đeo khẩu trang vẫn là một rủi ro.

Việc lì xì cho các thành viên trong gia đình không phải là điều bắt buộc. Nhưng dù sao, năm mới cũng là thời điểm thể hiện sự hào phóng, canh tân và dĩ hòa vi quý. “Tất nhiên, bọn trẻ thích nhìn và đếm tiền thật. Đó là điểm nổi bật. Nhưng còn tất cả vi trùng thì sao?”, Nguyen-De Angelis, 42 tuổi, một nhà tư vấn quan hệ công chúng người Mỹ gốc Việt băn khoăn.

Giải pháp của cô là lì xì nước mắm và vé số cào cho người lớn. Những đứa trẻ thì sẽ vẫn nhận một vài tờ tiền để có sự hào hứng. Cô sẽ tự tay lì xì vài người, còn lại gửi bằng thư.

Kat Nguyen-De Angelis chụp hình với con trai Dominic, 4 tuổi, tại một ngôi chùa ở Union Market ,Tustin. Ảnh: Los Angeles Times.
Kat Nguyen-De Angelis chụp hình với con trai Dominic, 4 tuổi, tại một ngôi chùa ở Union Market ,Tustin. Ảnh: Los Angeles Times.

Bên cạnh đó, lì xì trực tuyến cũng là một trào lưu có trước đại dịch. Giống như làm việc tại nhà, chúng là một sự tiện lợi dựa trên công nghệ, được thúc đẩy bởi những nhu cầu thiết yếu trong năm qua. “Chúng nhanh, tiện lợi và bạn có thể biến nó thành một trò chơi”, Bill Imada, Chủ tịch IW Group, một công ty truyền thông và quảng cáo toàn cầu có chuyên môn về thị trường châu Á và châu Mỹ chia sẻ.

Imada cho biết hàng tỷ USD đã được trao đổi thông qua quà tặng trực tuyến mùa Tết, kể từ khi xu hướng này diễn ra vào khoảng năm 2015 thông qua ứng dụng WeChat. Với các tính năng như các cuộc thi, nó thúc đẩy nhiều người tham gia.

“Mọi người gửi những nội dung bày tỏ tình cảm. Họ tạo ra thiết kế của riêng họ hoặc họ lì xì theo nhóm, và ai mở nó trước trong nhóm sẽ nhận được nhiều tiền hơn”, anh nói.

Đồng nghiệp của Imada, Flora Zhao, đã gửi lì xì điện tử cho hơn 20 người bạn ở California, Massachusetts, New York, và Trung Quốc để tránh trễ thời điểm nếu gửi bằng thư vật lý. “Vì họ nhận được ngay nên bạn không bao giờ lo bị trễ”, Zhao, Phó chủ tịch đối tác khách hàng của IW Group, một người Mỹ gốc Hoa nói.

Tết Nguyên đán là một cơ hội tiếp thị lớn cho các công ty hướng đến châu Á. Trong khi xem chương trình đón năm mới của kênh CCTV Trung Quốc đại lục, thu hút hơn một tỷ người xem, Zhao tung những bao lì xì trên WeChat Moments của cô để bạn bè tranh nhau trở thành người đầu tiền mở chúng và nhận tiền.

Stevie Dai, một học sinh trung học ở Alhambra, hy vọng sẽ nhận được tổng cộng ít nhất 250 USD từ những người thân ở Singapore. Họ cho biết sẽ chuyển lì xì – cách gọi của người Việt Nam hay “hongbao” bằng tiếng Quan Thoại, qua Internet.

“Nó an toàn hơn vì đúng là bạn có thể dính Covid từ bất kỳ khoản tiền cũ hay mới nào, giống như bạn có thể lây nhiễm từ bất kỳ thành viên nào trong gia đình”, Dai, 17 tuổi, nói và cho rằng, vấn đề là tránh tiếp xúc.

Các ngân hàng trên khắp thế giới cũng đã điều chỉnh phương thức sử dụng tiền mặt của mình, với lượng khách hàng ít hơn. Tại United Business Bank ở Garden Grove, nơi có nhiều khách hàng là người Mỹ gốc Á, xu hướng đổi tiền mặt dịp Tết đã giảm xuống còn “hai hoặc ba cuộc gọi”, Phó chủ tịch thứ nhất Ngọc Tinh Nguyen cho biết .

Trong một năm bình thường, theo bà nếu điện thoại đổ chuông trước Tết thì rất có thể ai đó đang hỏi những tờ tiền mới nhất có thể. Nếu yêu cầu 2.000 USD hoặc 5.000 USD không được đáp ứng, khách hàng sẽ rất khó chịu. “Thật buồn vì không thể gặp nhau trực tiếp ăn Tết”, bà nói và cho rằng sự an toàn là trên hết.

Dỹ Tùng (theo Los Angeles Times) – Vnexpress

Tin liên quan

Back to top button