Pháp luật

Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 12-13 năm tù trong vụ án Ethanol Phú Thọ

Cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng bị VKS đề nghị phạt 13 năm tù, mức án cao nhất trong 11 bị cáo liên quan sai phạm đấu thầu của vụ án Ethanol Phú Thọ.

Trưa 10/3, sau hơn hai ngày xét hỏi, đại diện VKSND Hà Nội đọc bản luận tội và đề nghị mức án với ông Thăng, Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC) cùng 10 bị cáo trong sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ.

Ông Thăng bị đề nghị 12-13 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 224 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Đinh La Thăng trong phiên xét xử vụ án Ethanol Phú Thọ. Ảnh: TTXVN
Bị cáo Đinh La Thăng trong phiên xét xử vụ án Ethanol Phú Thọ. Ảnh: TTXVN

Với vai trò Chủ tịch PVN, Trưởng ban chỉ đạo dự án, ông Thăng bị VKS cáo buộc, biết liên danh PVC không đủ năng lực vẫn đề ra chủ trương giao PVC thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ. Quy kết ông “vừa đề ra chủ trương, vừa đồng thời chỉ đạo cấp dưới thực hiện tội phạm”, VKS cho rằng cần có hình phạt nghiêm khắc tương xứng.

Trước đó, trả lời xét hỏi, ông Thăng cho rằng chỉ làm theo chủ trương. Cụ thể, PVN được phép “ưu tiên” giao thầu cho các đơn vị thành viên trong các dự án đặc thù của ngành dầu khí, với điều kiện vốn đầu tư của PVN cao hơn 50%.

Dẫn Nghị quyết 41 về việc PVN phát huy nội lực, tăng cường doanh thu ngành dầu khí, bị cáo khẳng định “hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Khi ông đương nhiệm, doanh thu dịch vụ ngành dầu khí tăng 30%-35% so với trước.

Cựu chủ tịch PVN hai lần phản bác toàn bộ cáo trạng, nói chỉ đôn đốc về mặt tiến độ dự án. Ông khai không tác động tới việc chỉ định thầu cho liên danh PVC, đơn vị sau này bị kết luận “không đủ năng lực”. Do đó, ông không phải chịu trách nhiệm về khoản thất thoát 543 tỷ đồng như truy tố.

Liên quan vụ án, cựu chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị phạt 11-12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; 10-11 năm Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Đây là người duy nhất trong vụ án bị truy tố hai tội danh.

9 bị cáo khác bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 224 Bộ luật Hình sự. Cụ thể: Vũ Thanh Hà (cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí – PVB) 7-8 năm; Phạm Xuân Diệu (cựu tổng giám đốc PVC) 5-6 năm; Nguyễn Ngọc Dũng (cựu phó tổng giám đốc PVC) 4-5 năm; Đỗ Văn Quang (cựu trưởng Ban kinh tế kế hoạch PVC) và Nguyễn Xuân Thủy (cựu phó Phòng đầu tư dự án PVB) mỗi người 3-4 năm; Trần Thị Bình (cựu phó tổng giám đốc PVN) 2-3 năm; Khương Anh Tuấn (cựu Phó Phòng thương mại PVB), Lê Thanh Thái (cựu Trưởng Phòng kinh doanh PVB) và Hoàng Đình Tâm (cựu Kế toán trưởng PVB) đều bị đề nghị án 30-36 tháng.

Bị cáo Đỗ Văn Hồng bị đề nghị 6-7 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, theo khoản 3 điều 356 Bộ luật Hình sự.

“Các bị cáo hầu hết là người giữ vị trí chủ chốt quan trọng trong tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, được tin tưởng giao cho quản lý vốn và tài sản quốc gia. Hành vi của các bị cáo khiến dự án dang dở, làm lãng phí nguồn lực kinh tế xã hội nghiêm trọng. Nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng lẽ ra đã có thể giải quyết các vấn đề tế xã hội quan trọng của đất nước”, bản luận tội xác định.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN

Ông Thanh bị xác định là “đồng phạm tích cực, phạm tội lệ thuộc vào chỉ đạo của cấp trên”. Cựu chủ tịch PVC biết rõ liên danh của mình không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu, nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của ông Thăng để ký nghị quyết đồng ý thực hiện dự án với giá hơn 59 triệu USD trong 18 tháng, dù trước đó đưa ra mức giá 85 triệu USD trong 25 tháng.

Trong việc thâu tóm 3.400 m2 đất tại Tam Đảo, ông Thanh bị xác định có vai trò chính, chủ mưu khi cố tình vi phạm các quy định trong luật doanh nghiệp để chuyển tiền cho PVC Kinh Bắc. Hành vi này gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng cho PVC.

Chiều nay, phiên toà tiếp tục phần tranh luận.

Đây là vụ án thứ 4 liên quan ông Đinh La Thăng xét xử. Năm 2018, ông bị phạt 30 năm tù trong hai vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đại Dương với các tộiCố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng. Cuối năm 2020, ông tiếp tục bị TAND TP HCM phạt thêm 10 năm tù trong vụ án thứ ba, liên quan sai phạm bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương.

Phạm Dự – Thanh Vân – Vnexpress

Back to top button