Kinh tế

Vì sao lợi nhuận ngân hàng vẫn ‘thách thức’ Covid-19?

Lợi nhuận ngân hàng năm Covid-19 đến từ việc “dè xẻn” chi phí hay tìm kiếm các nguồn thu “tay trái” khi nghiệp vụ chính là cho vay gặp khó.

Khi Covid-19 bùng phát, lãnh đạo giới ngân hàng lo không tránh khỏi tác động tiêu cực khi doanh nghiệp lao đao. Đến hết nửa năm, một số lãnh đạo nhà băng khi được hỏi vẫn không tự tin lượng hóa tác động của Covid-19 lên kết quả kinh doanh và sức khoẻ của ngành.

Nhưng phần lớn nhà băng đều kết thúc một năm Covid-19 với mức tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số và tỷ lệ nợ xấu không tăng mà thậm chí giảm so với hồi đầu năm.

Tuy nhiên, ngành “kinh doanh tiền” không thực sự miễn nhiễm, thể hiện rõ nhất qua mức tăng trưởng cho vay thấp, kéo theo nguồn thu chính từ hoạt động cho vay kém tích cực hơn so với các năm trước. Đặc biệt ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank), thu lãi từ cho vay chỉ tăng dưới 5%. Một vài nhà băng tư nhân khác thu lãi từ cho vay cũng tăng kém hơn năm ngoái như ACB, Sacombank, MB, Eximbank.

Khi cho vay hạn chế hơn các năm trước, nhiều nhà băng tư nhân tìm cách tăng đầu tư trái phiếu để “bù đắp” nguồn thu lãi cho vay. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của nhiều nhà băng tăng mạnh so với hồi đầu năm, điển hình SHB (175%), TPBank (135%), VPBank (124%), MB (100%). Tại Techcombank – ví dụ điển hình của việc tăng trưởng tín dụng nhờ trái phiếu trong vài năm trở lại đây – dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hết năm 2020 cũng tăng 50% so với hồi đầu năm. Việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao cũng là một cách giúp biên lợi nhuận thuần (NIM) của các nhà băng này tốt hơn, cải thiện tính sinh lời. Song động lực này khó được duy trì trong năm nay, theo nhận định của giới chuyên gia.

Trong khi đó, các ngân hàng có vốn nhà nước như Vietcombank, BIDV, VietinBank chọn cách “thắt lưng buộc bụng” bằng cách giữ chi phí hoạt động đi ngang hoặc tăng nhẹ. Chi phí hoạt động tại một số ngân hàng tư nhân cũng giảm so với năm ngoái, như VPBank (-8%), ACB (-8%), Eximbank (-10%). Công thức chung để siết chi phí hoạt động của hầu hết nhà băng này là giữ nguyên hoặc giảm khoản chi lương và phụ cấp cho nhân viên.

Một số nhà băng như Techcombank, VPBank, HDBank, VIB… năm vừa rồi đẩy mạnh được nguồn thu lãi từ dịch vụ (vốn được xem là nguồn thu phát triển bền vững). Ngoài ra, năm 2020 cũng là một năm thành công với các nhà băng trong việc đầu tư tài chính thông qua mua bán chứng khoán đầu tư. Có thể kể đến một vài cái tên có lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng vọt so với năm trước như ACB (1.300%), BIDV (215%), SHB (181%).

Nhìn chung, bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2020 có những gam màu sáng tối trái chiều, nhưng vẫn ghi nhận phổ biến mức tăng trưởng hai chữ số. Bảng xếp hạng lợi nhuận cũng có sự xáo trộn với sự bứt lên của “ông lớn” VietinBank và một số nhà băng tư nhân.

Lợi nhuận đi ngang nhưng Vietcombank vẫn là quán quân năm nay do mức lợi nhuận tỷ USD vốn cách biệt lớn với các nhà băng còn lại. Thu nhập lãi thuần tăng thấp nhưng lãi thuần từ dịch vụ của Vietcombank lại tăng mạnh hơn 50% lên 6.600 tỷ, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng hơn 15% lên 3.900 tỷ.

Dịch vụ thanh toán vốn đóng góp lớn cho thu lãi của Vietcombank nhưng lại không tăng trưởng trong năm nay. Lãi từ dịch vụ của Vietcombank tăng mạnh nhờ vào khoản thu khác tăng hơn 70%, tuy không được thuyết minh cụ thể nhưng có thể đến từ khoản phí trả trước trong thoả thuận hợp tác độc quyền với hãng bảo hiểm FWD.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đi ngang là do nhà băng này mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục 370%.

Kết thúc năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank giảm về còn 0,6%, tỷ lệ nợ tái cơ cấu vì Covid-19 cũng chỉ 0,6%, nên việc đẩy dự phòng rủi ro cho vay lên mức 370% được giới chuyên gia nhận định là đang “thận trọng một cách thái quá”. Thực tế, Vietcombank là một trong các ngân hàng có vốn nhà nước đứng trước áp lực phải hy sinh lợi nhuận để giảm lãi cho vay chia sẻ khó khăn với khách hàng, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Lợi nhuận đi ngang trong năm nay nhưng thực chất là nhà băng này đang có “khoản để dành” cho tăng trưởng lợi nhuận những năm tới nhờ vào khoản chi phí dự phòng “khủng”.

Tiếp theo, nói về vị trí á quân lợi nhuận ngân hàng niêm yết năm 2020 – VietinBank với mức tăng trưởng lợi nhuận 40% đã thay thế Techcombank. Dù khó khăn trong việc tăng dư nợ cho vay, VietinBank ghi nhận mức tăng lợi nhuận ấn tượng nhờ tổng hòa của nhiều yếu tố gồm thu lãi cho vay và lãi từ dịch vụ tăng nhẹ, tăng lãi kinh doanh ngoại hối và thu hồi nợ, siết chặt chi phí hoạt động. Bên cạnh đó, nhà băng này giảm được gánh nặng trích lập dự phòng nhờ “bước ngoặt” tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC vào cuối tháng 10/2020.

Với Techcombank, lãi trước thuế của nhà băng này tăng hơn 20% lên 15.800 tỷ, nhờ nguồn thu từ lãi và nguồn thu ngoài lãi đều tăng trưởng tốt. Thu nhập lãi thuần tăng 32%. Lãi thuần dịch vụ tăng gần 30%, chủ yếu nhờ thu từ thanh toán và tiền mặt tăng mạnh, thu bảo lãnh phát hành chứng khoán tăng nhẹ. Ngoài ra, lãi mua bán chứng khoán đầu tư, lãi thuần từ hoạt động khác gồm thu từ công cụ tài chính phái sinh và thu nợ xử lý bằng nguồn dự phòng cũng tăng trưởng ở mức 20%.

Lùi về sau của bảng xếp hạng, VIB là trường hợp đặc thù khi tăng trưởng cho vay đạt hơn 30% – gần như không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, một phần do quy mô dư nợ còn khiêm tốn và phân khúc cho vay người mua xe cũng được hưởng lợi nhờ chính sách giảm phí trước bạ trong năm 2020. Thu nhập lãi thuần (chủ yếu từ cho vay) tăng gần 40%, lãi thuần từ dịch vụ tăng hơn 30% với mức đóng góp lớn từ hoa hồng bán bảo hiểm. Trong khi thu từ bán chéo bảo hiểm của nhiều ngân hàng giảm trong năm 2020, thu từ bán chéo bảo hiểm của VIB vẫn tăng 10%. Kết quả, lãi trước thuế của nhà băng này tăng hơn 40% lên 5.800 tỷ.

Mỗi nhà băng lựa chọn một chiến thuật để xoay xở trong năm Covid-19, nhưng điểm chung của phần lớn đều là tỏ ra thận trọng hơn khi tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng để xoá bớt nợ xấu trong kỳ hoặc tăng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu. Trong năm 2020, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại top 10 nhà băng lớn nhất phần lớn tăng mạnh vài chục phần trăm đến vài trăm phần trăm, như tại ACB (244%), TCB (185%), VIB (50%), SHB (88%), Vietcombank (46%), HDBank (49%)…

Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2020 của hầu hết ngân hàng không “xấu” như dự báo trước đó, thậm chí còn giảm hơn so với trước khi có Covid-19.

Thống kê tại chục nhà băng quy mô lớn nhất tới cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu đều giảm hoặc đi ngang so với đầu năm. Kết quả này một phần nhờ Thông tư 01 cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ với khách vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng cũng một phần nhờ các ngân hàng đã phải trích chi phí dự phòng rủi ro để xoá nợ ngay trong kỳ.

Như Techcombank, một trong những nhà băng có tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh nhất, từ mức 1,33% hồi đầu năm xuống còn 0,47%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này tăng mạnh 185% so với năm trước lên hơn 2.600 tỷ đồng. Trong đó, Techcombank dành ra khoảng 3.300 tỷ để xử lý nợ ngay trong năm, khiến tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu tăng mạnh từ 95% lên 170%.

Bên cạnh dùng dự phòng để xoá nợ, nhiều ngân hàng cũng tăng mạnh số dư dự phòng cho vay làm tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, như tại Vietcombank, Techcombank, TPBank…

Tuy nhiên, ngược chiều với động thái thận trọng của phần lớn ngân hàng, vẫn có những nhà băng theo đuổi chiến lược khác như Eximbank hay VPBank…

Tại Eximbank, lợi nhuận năm 2020 tăng 22% nhưng thực tế hoạt động chính là cho vay và huy động đều sụt giảm. Mức tăng lãi đến từ việc giảm chi phí hoạt động và cả chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,7% lên hơn 2,5% nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 55% xuống 50% – mức thấp trong hệ thống. Thậm chí, Eximbank còn là nhà băng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu vì Covid-19 nằm trong top cao nhất ngân hàng.

Còn tại VPBank, lãi trước thuế của VPBank tăng 26% chủ yếu nhờ tăng thu lãi từ đầu tư vào trái phiếu, giảm chi phí hoạt động và không tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng có tăng nhưng tăng thấp, chưa đủ để cải thiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu khi vẫn duy trì ở mức 45%, thấp gần nhất hệ thống. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của VPBank vẫn duy trì quanh ngưỡng 3,4%, tỷ lệ nợ tái cơ cấu vì Covid-19 gần như cao nhất hệ thống ngân hàng niêm yết.

Lĩnh vực cho vay tín chấp từng được xem là “gà đẻ trứng vàng” cho nhiều ngân hàng nhưng sau một vài năm cũng lộ rõ những hệ luỵ và mặt trái nhất định. Do vậy, cùng với kế hoạch bán vốn tại công ty tài chính FE Credit, một trong những biến chuyển đáng chú ý của VPBank trong năm 2020 là giảm dần tỷ trọng cho vay hộ kinh doanh, cá nhân và tăng tỷ trọng cho vay cả kinh doanh bất động sản và cho vay mua nhà.

Đến hết năm 2020, theo đánh giá của giới chuyên gia, nợ xấu vẫn “chưa lộ rõ” với một số ngân hàng nhờ Thông tư 01. Giới chuyên gia lo ngại nợ xấu tại ngân hàng có thể trở nên xấu đi từ năm 2021 khi Thông tư 01 sửa đổi yêu cầu phải phân loại đúng nhóm nợ và dần trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, thay đổi này chỉ ảnh hưởng đến nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu vì Covid-19 cao và chưa chủ động trích lập dự phòng, do đó, câu chuyện này sẽ có sự phân hóa.

Theo báo cáo mới nhất của FiinGroup, đơn vị này dự báo khá “khiêm tốn” về kết quả kinh doanh ngân hàng năm 2021 với mức tăng trưởng lợi nhuận một chữ số và sẽ có sự phân hóa. Theo FiinGroup, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng sẽ hạ nhiệt trong năm nay một phần do quy định siết chặt thị trường trái phiếu. Điều này sẽ khiến một vài ngân hàng đang tăng trưởng tín dụng nhờ vào trái phiếu trong năm 2020 khó cải thiện NIM hơn trong năm 2021, trong bối cảnh cho vay khó bật tăng mạnh trở lại.

Quỳnh Trang – Vnexpress

Tin liên quan

Back to top button